Feeds:
Posts
Comments

Archive for the ‘Toạ đàm’ Category

Nguồn: Dân Trí
(Dân trí) – Dù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí.

Phố hoa Hà Nội bầm dập vì người dân chen nhau chụp ảnh, bẻ trộm hoa.
(Ảnh: Phương Thảo
)

Ngày 20/3 và 21/3, Viện Triết học Việt Nam đã kết hợp cùng CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức hội thảo “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế” tại TPHCM. Nhiều học giả về văn hóa và triết học của cả nước đã bàn luận về lối sống người việt hiện nay và phải làm gì để hòa hợp với xã hội hòa nhập trong tương lai.

Thạc sĩ Lê Minh Tiến, Giảng viên ĐH Mở TPHCM, đưa ra hàng loạt lối tư duy xấu xí của người Việt hiện nay như: không hề thấy có lỗi khi đến trễ hay làm việc trễ; xét đoán mọi việc lẫn lộn giữa tình và lý; đùn đẩy trách nhiệm vì xem trách nhiệm tập thể cao hơn trách nhiệm cá nhân; chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi lâu dài; thích làm theo hơn là sáng tạo; trọng “danh” và “sĩ”…

Theo ông Tiến, cái gốc của lối tư duy này phát sinh từ lối sống nông nghiệp bao đời nay của người Việt vẫn chưa sửa được, lối sống cộng đồng phát sinh thành tâm lý bầy đàn, “ai sao tui vậy” che mờ đi trách nhiệm cá nhân nên dẫn đến nhiều hệ lụy vì không phù hợp với xã hội công nghiệp hóa hiện nay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì lấy tâm lý của bộ phận công chức ra để chứng minh cho tư duy trọng tập thể, né tránh trách nhiệm cá nhân. Ông cho là mọi cải cách thủ tục hành chính đều vô hiệu nếu người thực hiện (công chức) không có tư duy tốt.

Vì chính tư duy sợ trách nhiệm cá nhân nên họ không tin cả người dân đến làm việc với mình, đòi hòi đầy đủ giấy tờ thủ tục một cách máy móc và khô cứng, thiếu linh động dẫn đến trì trệ và mất thời gian cho người dân. Bởi họ sợ sai một chút gì là mình chịu, dẫn đến việc nước ta cải cách hành chính mười mấy năm qua nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, một nhà hoạt động xã hội, thì lấy một hình ảnh thực tế để chứng minh cho tư duy “xấu xí” của người Việt. Đó là sự hỗn độn và xô bồ của điểm kẹt xe, ai cũng tranh nhau tiến về phía trước, chẳng ai nhường ai, để rồi ai cũng kẹt lại.

Theo bà, đó là tâm lý cái lợi giành cho mình, cái hại đẩy người khác. Từ việc sợ trách nhiệm cá nhân đã đẩy lên thành một chủ nghĩa cá nhân cực đoan trong lòng người Việt. Sự bất lực của các tổ chức quản lý giao thông chứng tỏ sự bế tắc và thiếu tầm trước một xã hội đang hiện đại hóa và thay đổi từng ngày. Và cũng chính những bon chen, bực bội ấy ngoài đời mà người Việt đem về nhà để trút giận lên người thân, gây tổn thương cho nhau, bạo lực gia đình gia tăng…

Nhiều học giả cho là người Việt cần đổi mới tư duy và lối sống để thích nghi tốt trong thời kỳ hội nhập. GS.TS Tô Duy Hợp cho là: “Thực trạng tư duy của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cần phải thực hiện đổi mới…”.

Nhưng Thạc sĩ Oanh lại đang lo lắng về sự “đổi mới” quá nhanh theo chiều hướng tiêu cực của giới trẻ. Bà kể, một chuyên gia Việt kiều mới về nước, thấy cảnh giới trẻ ùn ùn đi chơi ngày lễ Valentine đến nỗi kẹt đường phải thốt lên: “Người Việt Nam còn Mỹ hơn cả người Mỹ ở Mỹ”.

Cách ăn mặc hở hang dù trời nắng gắt hay lạnh giá, những ngôn ngữ lạ kỳ và lối sống đua đòi… Đó là sự ngoại lai, tây hóa không chọn lọc. Theo bà, nguyên nhân chính là từ nền giáo dục gia đình và nhà trường yếu kém hiện nay không trang bị cho các em đủ bản lĩnh để thích nghi và phát triển theo chiều hướng tính cực trong xã hội phát triển chóng mặt như hiện nay.

GS Nguyễn Tài Thư cho rằng, lối sống của người Việt hiện nay không đơn thuần là lối sống nông nghiệp, mà trước sự hội nhập của kinh tế đất nước, nó cũng đang đổi mới và hội nhập.

GS Trần Ngọc Thêm cũng cho là mô hình văn hóa Việt Nam đang có cuộc chuyển đổi. Tuy nhiên, sự chuyển đổi ấy hiện nay và tương lai như thế nào, tốt hay xấu, còn tùy thuộc vào ngành giáo dục, văn hóa và cả bộ máy hành chính cũng như gia đình mỗi người.

Tùng Nguyên

Read Full Post »

Nguồn: Lao Động

(LĐ) – “Văn hoá đọc bắt nguồn từ thói quen đọc, cách chọn sách  và kỹ năng đọc. Thói quen đó phải hình thành từ lúc mẫu giáo. Tiếc thay,  nền giáo dục chúng ta bỏ qua điều đó gần mấy chục năm nay”.

GSTS Chu Hảo – GĐ Nhà xuất bản Tri Thức nhận định như vậy khi mở đầu tọa đàm “Đọc: Thói quen hay văn hoá” ngày 13.5 tại TPHCM, do Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu, NXB Tri Thức, Cty sách Phương Nam và Sachhay.com tổ chức.

Không tiếp cận được văn bản gốc

Ông Chu Hảo cho rằng: Ở nhà trường, học sinh  không thiết đọc sách, vào đại học, không có thói quen tiếp cận văn bản gốc là điều đương nhiên. Học sinh bận bịu chương trình đi thi,  nhưng chương trình thi cử của chúng ta  có quá nhiều thứ vô bổ. Mấy chục năm qua, chúng ta không xây dựng văn hoá đọc trong nhà trường, nên phải mất nhiều thế hệ mà vẫn hẫng hụt văn hoá đọc”.

Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn phân tích: “Phải có thói quen đọc  ngay cả những gì mình không thích, những chủ thuyết mà mình không đồng tình. Từ thói quen đến văn hoá chỉ một, hai  bước;  cần phương pháp, thái độ cởi mở và khách quan  để có thể tiếp thu kho tàng tri thức nhân loại. Không những thế, cần tăng cường tiếp cận những văn bản gốc trong lực lượng  khoa học xã hội và nhân văn. Bởi có một nghịch lý:  Thế giới biến  chuyển rất nhanh,  hàng loạt lý thuyết  ra đời, bùng nổ; trong khi chúng ta ở  điều kiện khó khăn, tiếp cận rất chậm. Làm sao có  nhập khẩu, giao lưu lý thuyết?  Mất thói quen đọc văn bản gốc là  điểm yếu của sinh viên hiện nay, của người Việt nói chung”.

Ông Peter Bumke – GĐ Viện Goethe Hà Nội cho rằng: “Chúng ta có thể gieo mầm và  vun xới thói quen đọc sách, đồng thời làm sao cho sách tiếp cận  với công chúng thông qua hình thức chuyển ngữ, để  lĩnh hội tri thức của thời đại. Trong khi  đa số người trẻ chỉ thích lướt web và sợ bị xem là lỗi thời nếu chúi mũi đọc sách, thì vẫn còn một bộ phận  thích đọc sách, và đó là điều đáng mừng”.

Chậm tiếp nhận tác phẩm kinh điển thế giới

Biện pháp đào sâu văn hoá đọc mà các nhà nghiên cứu  đưa ra, chính là  xây dựng thói quen đọc từ khi học ở phổ thông, và tạo kỹ năng đọc suốt đời,  chú trọng việc dịch, chú giải những tác phẩm kinh điển của Đông và Tây. Theo ông Nam Sơn,  những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… làm rất tốt điều này: Dịch ngay những cuốn sách có giá trị của thế giới  chỉ sau 3 tháng kể từ khi ấn phẩm ra đời. Muốn thay đổi thói quen thì phải hành động, để có thể thay đổi số phận.

“Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách làm việc trong đại học, phục hồi truyền thống giảng sách, bình văn và diễn thuyết, tiếp cận văn bản gốc, làm dày lên tủ sách tinh hoa thế giới. Không có  những điều đó, khó nâng cao kiến thức nền tảng, tính khách quan cũng như khả năng tư duy trừu tượng, khả năng phản biện để  không bị “uốn nắn” từ những lời giảng của các giáo sư” – ông nhấn mạnh.

Ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường PACE  đặt vấn đề rằng, tại sao các nước có  một khát khao đọc, học tinh hoa của thế giới như thế, quyết liệt cập nhật tri thức nhân loại, và được công chúng đón nhận nhiệt liệt như thế, còn ở ta thì ngược lại? Chúng ta phải học tinh hoa của phương Tây và đưa sách đến với người dân. Chúng ta tạo ra  những cuốn sách quý đã khó, mà làm sao để công chúng đón nhận tri thức của thế giới cũng khó không kém.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh: “Cách tư duy có từ văn hoá đọc là  hấp thụ cái của người khác thành của mình. Hành trình của việc đọc sách là  văn hoá tìm tòi, khổ luyện. Chỉ tiếp cận trên mạng chưa đủ, bởi sẽ thiếu chiều sâu của văn hoá. Những bậc thầy, những người giúp khai sáng trí tuệ cho người trẻ phải chú ý đến điều này”.

M.T lược thuật

Read Full Post »